image banner
PhongGDDongPhu
Khó khăn trong dạy - học lịch sử địa phương ở Đồng Phú

Những năm qua, huyện Đồng Phú luôn quan tâm đến dạy và học môn Lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương cho học sinh phổ thông trong toàn huyện. Hằng năm, Phòng GD-ĐT huyện đều quán triệt kịp thời đến các trường tiếp tục thực hiện tốt việc dạy lịch sử địa phương theo quy định. Phòng chỉ đạo các trường ngoài giảng dạy chính khóa, cần lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử địa phương trong một số môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ; đồng thời, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm Công văn số 1174/SGDĐT-GDTrH của Sở GD-ĐT về việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa để học sinh đầu cấp làm quen với trường, sinh hoạt lớp để tìm hiểu truyền thống, nội quy trường lớp, hướng dẫn học sinh tìm hiểu và chăm sóc nhà bia tưởng niệm tại địa phương. Hằng năm, 100% giáo viên trực tiếp giảng dạy đều soạn bài và giảng dạy nghiêm túc. Năm học 2015-2016, toàn huyện có 10 em được công nhận học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử và 10 em đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Giáo dục công dân. 

Cuối năm học 2015-2016, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Phú đã kiểm tra thực trạng dạy - học lịch sử địa phương tại các trường THCS Thuận Phú, Tân Phước, Tân Tiến và cấp 2, 3 Đồng Tiến. Qua kiểm tra cho thấy, khó khăn lớn nhất là theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT thì số tiết dạy và học lịch sử địa phương ở trường THCS, THPT quá ít, lại rơi vào cuối năm học, do vậy học sinh có phần lơ là học tập nên chất lượng giáo dục chưa cao; không bố trí kinh phí cho giáo viên và học sinh đi thực tế; tranh, ảnh, bản đồ thiếu, phương tiện hỗ trợ còn hạn chế... Để khắc phục những khó khăn này, ban giám hiệu các trường đã đầu tư thiết bị dạy học, như: Máy chiếu, bản đồ, internet... Đội ngũ giáo viên đã chủ động nghiên cứu tài liệu, chắt lọc kiến thức, đa dạng hóa phương pháp truyền đạt. Tại Trường THCS Thuận Phú, bên cạnh dạy chính khóa, trường còn tổ chức nhiều tiết học ngoại khóa, chiếu phim về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam, lịch sử địa phương nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh. Qua kiểm tra, trường có khoảng 80% học sinh hiểu biết và nắm được kiến thức về các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và huyện.

Trường THCS Tân Tiến hằng năm đều tổ chức các hội thi đố vui theo hình thức rung chuông vàng, lồng ghép nội dung tìm hiểu lịch sử địa phương và các anh hùng trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu về di tích lịch sử thông qua các buổi du khảo về nguồn, như thăm địa đạo Củ Chi, Bảo tàng di tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh, tượng đài làng Ba, xã Thuận Phú... từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương cho học sinh. Trường THCS Tân Phước tổ chức các buổi ngoại khóa, như: Hái hoa dân chủ, trò chơi ngoài trời trong đó có lồng ghép các câu hỏi lịch sử địa phương. Qua kiểm tra, trường có khoảng 70% học sinh nắm được kiến thức về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, huyện. Trường cấp 2, 3 Đồng Tiến giáo viên môn Lịch sử cơ bản đủ về số lượng, có kinh nghiệm giảng dạy, trong giờ học thầy và trò tập trung trao đổi, hỏi đáp, liên hệ, dẫn chứng về văn hóa các dân tộc thiểu số...

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Phú, việc giáo dục lịch sử truyền thống địa phương tại trường THCS, THPT trên địa bàn huyện đã được thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có kinh nghiệm, yêu nghề, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường sử dụng, tranh, ảnh, trang thiết bị dạy học... tạo hứng thú cho học sinh. Các trường quan tâm trang bị cơ sở vật chất tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tìm hiểu thêm nhiều tư liệu hỗ trợ; đồng thời thường xuyên kết hợp, lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương thông qua: Về nguồn, hội thi hái hoa dân chủ... tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh về truyền thống lịch sử và hình thành nhân cách của các em. 

Tuy nhiên, phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT việc giảng dạy lịch sử địa phương chỉ được dành 1-3 tiết/năm học là rất ít, lại sắp xếp rời rạc nên việc dạy và học của giáo viên, học sinh gặp khó khăn. Bản đồ, hình ảnh còn thiếu đã gây trở ngại cho giáo viên và học sinh trong tìm hiểu lịch sử địa phương. Các trường không có nguồn kinh phí riêng để tổ chức tham quan thực tế.

Để việc dạy và học lịch sử đạt kết quả cao, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Phú mong muốn Bộ GD-ĐT tăng số tiết dạy lịch sử địa phương; đồng thời chuyển tiết học lịch sử địa phương khối lớp 7 ở học kỳ I sang đầu học kỳ II để phù hợp với nhận thức của học sinh. Các ngành chức năng cung cấp bản đồ hành chính mới nhất của tỉnh và hình ảnh, phim tư liệu về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, huyện cho các trường; đưa nội dung lịch sử địa phương lồng ghép với kiểm tra môn học Lịch sử Việt Nam để giúp học sinh nắm vững kiến thức. Từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tinh thần trách nhiệm của mỗi học sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Khắc Bảy

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Phú

Chịu trách nhiệm: ông Hoàng Thanh Sỹ - Trưởng phòng

Địa chỉ: khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Số điện thoại: 02713.832.014

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị